Một số điểm mới về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản

Ngày 05 tháng 4 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2024, thay thế cho Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ

Theo đó Nghị định 38/2024/NĐ-CP bổ sung hành vi vi phạm mới về không báo cáo hoặc không thông báo hoạt động sản xuất, nhập khẩu. Mở rộng phạm vi xử phạt đối với hành vi sản xuất, mua bán, nhập khẩu sản phẩm có thành phần không thuộc danh mục được phép, thay vì chỉ xử phạt hành vi sản xuất, nhập khẩu như quy định cũ. Bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi sản xuất, mua bán, nhập khẩu sản phẩm có chứa thành phần thuộc danh mục cấm sử dụng. Bổ sung hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động sản xuất, mua bán từ 01 - 03 tháng đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng. Quy định cụ thể hơn về biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm, thay vì chỉ quy định chung như Nghị định 42/2019/NĐ-CP.

Cũng theo Nghị định số 38/2024/NĐ-CP, thẩm quyền của lực lượng quản lý thị trường trong lĩnh vực thủy sản được quy định như sau:

1. Kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ có quyền: Phạt tiền đến 500.000 đồng.

2. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường có quyền:

a) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt quy định tại điểm a khoản này;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, đ, e và g khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

3. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường thuộc Tổng cục Quản lý thị trường có quyền:

a) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, d, đ, e và g khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

4. Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường có quyền:

a) Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, d, đ, e và g khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

Với thẩm quyền trên, Nghị định số 38/2024/NĐ-CP đã phân định cụ thể thẩm quyền xử phạt của lực lượng quản lý thị trường tại Khoản 7 Điều 55, như sau: “Quản lý thị trường xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 11; Điều 12; Điều 13; Điều 14; khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 15; Điều 18; khoản 2 Điều 28; Điều 32; Điều 41; Điều 42; Điều 43 và khoản 1 Điều 44 theo thẩm quyền quy định tại Điều 51 Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ được giao”.

Chi tiết Nghị định số 38/2024/NĐ-CP Tại đây.                                                                         
Nguyễn Văn Trung
Đội QLTT số 1, Cục QLTT Đắk Nông

Bình luận