Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt
Theo đó, ngoài các hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả về Trồng trọt Nghị định số 31/2023/NĐ-CP còn quy định hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả về Phân bón. Các hành vi vi phạm, mức xử phạt về buôn bán phân bón được cụ thể quy định tại Điều 22 Nghị định số 31/2023/NĐ-CP như sau:
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Buôn bán phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón;
b) Buôn bán phân bón trong thời gian bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón;
c) Không duy trì đầy đủ các điều kiện về buôn bán phân bón theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Trồng trọt năm 2018 trong quá trình hoạt động.
3. Phạt tiền đối với hành vi buôn bán phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hoặc phân bón có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hết hiệu lực hoặc phân bón đã bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, cụ thể như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp lô phân bón có giá trị dưới 50.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp lô phân bón có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với trường hợp lô phân bón có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp lô phân bón có giá trị từ 150.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hoặc phân bón có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hết hiệu lực hoặc phân bón đã bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự có một trong các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
c) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 3 Điều này;
d) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 3 Điều này;
đ) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón từ 12 tháng đến 15 tháng đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 3 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy đối với phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hoặc phân bón có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hết hiệu lực hoặc phân bón đã bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Buộc nộp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.
Bình luận