"Lực lượng QLTT đã có những bứt phá trong chuyên môn nghiệp vụ"
Nội dung trên được nhận định trong chương trình làm việc của Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia với Tổng cục QLTT sáng nay (15/9).
2020 là năm đặc biệt đối với lực lượng QLTT khi mà những tháng đầu năm 100% quân số tập trung vào công tác phòng, chống dịch. Qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cho thấy, hàng giả, hàng nhái không có dấu hiệu dừng lại, thậm chí bùng phát mạnh mẽ hơn trong tâm dịch. Lợi dụng sức nóng từ thị trường, các đối tượng đã trục lợi trên chính những mặt hàng phòng chống dịch như thiết bị y tế, vật tư y tế, khẩu trang, nước rửa tay. Nghiêm trọng hơn, nhiều đối tượng đã thu gom khẩu trang, găng tay y tế, găng tay bảo hộ lao động để tái chế quay vòng lại thị trường tiêu thụ.
“Đây là vấn đề liên quan tới ý thức, khi các đối tượng chà đạp lên cả yếu tố đạo đức, sức khỏe của đồng loại để trục lợi” Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh e ngại.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh báo cáo trước Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về hoạt động kiểm tra kiểm soát lực lượng QLTT 8 tháng đầu năm 2020
Trong 8 tháng đầu năm 2020, lực lượng QLTT phát hiện, xử lý trên 56.090 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 177,7 tỷ đồng. Riêng tháng 8/2020, phát hiện, xử lý 11.302 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước là trên 16,4 tỷ đồng.
Bên cạnh việc phòng chống dịch, công tác chống hàng giả và gian lận thương mại vẫn là mục tiêu chính mà lực lượng QLTT triển khai. Trong 8 tháng qua, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc lớn, nổi cộm, tấn công, triệt phá các đường dây ổ nhóm như: xử lý tổng kho buôn lậu hơn 10.000m2 tại 145 Hoàng Diệu, thành phố Lào Cai; kiểm tra tạm giữ hàng chục nghìn xuất bản phẩm và sách giáo khoa không rõ nguồn gốc tại Hà Nội; tổ chức kiểm tra, xử lý các điểm nóng và kinh doanh hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, chợ Bến Thành, chợ Ninh Hiệp, Quận Hoàn Kiếm... Nhiều vụ việc điển hình vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại tại các địa phương như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, An Giang, Bình Dương, Thanh Hóa... đã được lực lượng QLTT phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, có những địa điểm trước đó lực lượng QLTT chưa một lần đặt chân đến kiểm tra như kho hàng nhập nội địa tại sân bay Nội Bài, cảng ICD Mỹ Đình hay kho hàng gia công các sản phẩm nhái các thương hiệu nổi tiếng tại huyện Thanh Miện, Hải Dương…
“Hàng giả, hàng nhái kiểm tra ở ngoài đường rất dễ. Nhưng đó chỉ là ngọn. Phải bắt giữ ổ nhóm đường dây sản xuất mới là gốc của vấn đề. Đây vẫn là mục tiêu chính mà lực lượng QLTT hướng tới” Tổng Cục trưởng quyết tâm.
Nghiệp vụ kiểm tra cho thấy, thương mại điện tử; hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; sử dụng logistic trong dịch vụ vận chuyển hàng hóa là những vấn đề nổi cộm trong thị trường thời gian gần đây.
Một trong những điểm mới đối với lĩnh vực thương mại điện tử đó là công nghệ livetream bán hàng. Với tốc độ phát triển của thương mại điện tử như hiện nay cùng với dịch vụ chuyển phát nhanh gia tăng mạnh mẽ, các đối tượng không cần livetream ở các thành phố lớn vẫn có thể bán và phân phối được hàng giả, hàng lậu. Vụ việc ở Lào Cai mới đây là một ví dụ. Chính vì vậy, siết chặt hơn công tác quản lý, coi bán hàng trên mạng như bán hàng truyền thống là một trong những điểm lực lượng QLTT sẽ đặc biệt lưu ý. Đồng thời củng cố trình độ, đưa chuyên môn vào kiểm tra, kiểm soát bởi đây là mặt trận mới, nóng bỏng cần có những phương án nghiêm túc mới mang lại kết quả.
Lợi dụng tâm dịch, các mặt hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT xuất hiện các phương thức thủ đọan mới, tinh vi, mang tính chất nước ngoài nhiều hơn. Những mặt hàng vi phạm chủ yếu là thời trang, các mặt hàng tiêu dùng, phụ tùng ô tô xe máy…. Các vi phạm chủ yếu là giả mạo xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
“Các mặt hàng giả được sản xuất dưới dạng chưa hoàn chỉnh, bán một nơi, gia công một nơi, đặt mua đến đâu gia công đến đó. Các đối tượng sử dụng nhà ở trong thôn xóm để sản xuất hòng dễ trốn tránh, tẩu tán khi bị lực lượng chức năng kiểm tra” ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT thông tin.
Tại buổi làm việc, Thiếu tướng Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đánh giá cao những chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Tổng cục QLTT, sự cố gắng của đơn vị nghiệp vụ, Cục QLTT các địa phương trong thời gian qua. Trong điều kiện phòng chống dịch nhưng công tác chuyên môn, đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả vẫn đạt những kết quả tích cực. Trong quá trình thực hiện chuyên môn đã nhận diện ra, phát hiện nhiều vụ việc nghiệm trọng. Đặc biệt, lần đầu tiên Tổng cục QLTT đã triệt xóa những đường dây, tụ điểm lớn tại TP HCM, Hà Nội, Lào Cai… “Đây là những bứt phá của các cơ quan nghiệp vụ của lực lượng QLTT ở trung ương” Thiếu tướng Đàm Thanh Thế biểu dương.
Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cũng khẳng định, trong chức năng nhiệm vụ của mình, Văn phòng muốn xây dựng, hỗ trợ cho lực lượng QLTT thật sự mạnh, mạnh cả về lực lượng lẫn chuyên môn. Bởi, mô hình không phù hợp sẽ khó đáp ứng yêu cầu cụ thể.
Chánh Văn Phòng thường trực - Đàm Thanh Thế trao thư khen của Phó Thủ tướng, Trưởng BCĐ 389 quốc gia Trương Hòa Bình cho Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường
Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Thiếu tướng Đàm Thanh Thế - Chánh Văn Phòng thường trực đã trao thư khen của Phó Thủ tướng Thường trực - Trưởng BCĐ 389 quốc gia Trương Hòa Bình cho Tổng cục quản lý thị trường vì đã có thành tích xuất sắc phát hiện xử lý kho chứa hàng không đúng quy định với số lượng lớn tại Lào Cai
Tại thư khen, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình ghi nhận và biểu dương thành tích xuất sắc nêu trên của Tổng cục quản lý thị trường. Thành tích này đã góp phần tích cực trong thực hiện Nghị quyết 41/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.