Đắk Nông: Xử phạt các đơn vị vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu

Đắk Nông có diện tích tự nhiên 6.515 km2, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 252 cửa hàng (từ đầu năm đến nay giảm 04 cửa hàng kinh doanh xăng dầu), phân bổ trên địa bàn 71 xã, phường, thị trấn của 08 huyện, thành phố (Cư Jut 33, Đắk Mil 37, Đắk Song 47, Krông Nô 24, Đắk Glong 21, ĐắkRlấp 40, Tuy Đức 29 và Gia Nghĩa 21 cửa hàng). Trong đó có 40 cửa hàng thuộc doanh nghiệp nhà nước (Chi nhánh Xăng dầu Đắk Nông – Công ty TNHH xăng dầu Nam Tây Nguyên có 29 cửa hàng, Công ty cổ phần xăng dầu dầu khí Vũng Tàu chi nhánh tỉnh Đắk Nông có 6 cửa hàng, công ty xăng dầu quân đội khu vực 3 có 5 cửa hàng); nguồn cung ứng xăng dầu được cung ứng bởi 37 thương nhân phân phối, tổng đại lý từ các tỉnh bạn (một số thương nhân phân phối, tổng đại lý có hệ thống phân phối nhiều như: Công ty TNHH Huy Hồng 82 cửa hàng, Công ty cổ phần xăng dầu Sài Gòn 22 cửa hàng, Công ty TNHH MTV Phú Sang 21 cửa hàng, Công ty TNHH xăng dầu Nam Tây Nguyên 11 cửa hàng, Công ty TNHH XD Phú Lợi 12 cửa hàng,…).
Trong thời gian từ ngày 01/01/2022 đến nay tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cơ bản diễn ra bình thường, lượng hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hay tăng giá bất hợp lý gây bất ổn thị trường, tuy nhiên trong thời gian qua giá xăng dầu thường xuyên biến động tăng giảm theo giá xăng dầu thế giới; lượng hàng hóa cung cấp không kịp thời dẫn đến có tình trạng một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp tư nhân tạm ngừng hoạt động do hết xăng dầu cục bộ. Nguyên nhân theo phản ánh của các doanh nghiệp do một số thời điểm có thông tin giá xăng dầu chuẩn bị điều chỉnh tăng, thì nhu cầu của người dân đi mua tăng đột biến, các thương nhân đầu mối cung ứng nguồn hàng không kịp thời; hiện tại không có thương nhân đầu mối, kho chứa xăng dầu đống chân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông mà lượng hàng tiêu thụ trên địa bàn tỉnh đều nhập từ các thương nhân đầu mối ở các tỉnh ngoài như: Vũng Tàu, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh... quãng đường vận chuyển xăng dầu xa, mặc khác theo phản ảnh của các doanh nghiệp, hiện nay mức chiết khấu bán xăng dầu ở mức thấp, lợi nhuận không đủ bù chi phí hoạt động, nên làm đơn xin tạm ngừng hoạt động.
2. Công tác chỉ đạo, điều hành
Thực hiện chỉ đạo tại Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/01/2022 của Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý trong kinh doanh xăng dầu; Công điện số 960/CĐ-BCT ngày 01/3/2022 của Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra giám sát thị trường trước tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19 và sung đột vũ trang tại u-crai-na. Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo các Phòng, Đội Quản lý thị trường triển khai, thực hiện cụ thể: Công văn số 39/CQLTT-NVTH ngày 08/2/2022; Công văn số 56/CQLTT-NVTH ngày 23/02/2022 về việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Thực hiện theo dõi sát diễn biến tình hình kinh doanh xăng dầu; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, ký cam kết; chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành ở địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra Cục đã kịp thời tham mưu cho Ban chỉ đạo 389 tỉnh ban hành nhiều Văn bản chỉ đạo các Sở ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh, nhất là mặt hàng xăng dầu. Việc triển khai có trọng tâm, trọng điểm, nên trong thời gian qua đạt được kết quả nhất định.
3. Kết quả thanh tra, kiểm tra xử lý, giám sát, tuyên truyền
3.1. Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý:
Tổng số vụ kiểm tra, thanh tra: 25 vụ; tổng số vụ xử lý: 10 vụ; tổng số tiền xử phạt thu nộp ngân sách nhà nước: 336.813.898 đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu: kinh doanh xăng dầu khi giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực; sử dụng phương tiện đo nhóm 2 không đạt yêu cầu quy định về kỹ thuật đo lường; niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá do thương nhân đầu mối quy định; không đăng ký thời gian bán hàng với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; sử dụng nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường; không ghi tên thương nhân đầu mối xăng dầu cung cấp xăng dầu trên biển hiệu của cửa hang bán lẻ xăng dầu...
3.2. Công tác giám sát, tuyên truyền:
Phối hợp với Sở Công Thương thực hiện giám sát thường xuyên đối với 256/256 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền, dán tờ rơi cung cấp số điện thoại đường dây nóng, ký cam kết đảm bảo cung ứng xăng dầu trên thị trường và chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu với 256/256 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, đạt tỷ lệ 100%; Trong quá trình thực hiện, Cục đã đề xuất Sở Công Thương thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đối với 4 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, vì lý do ngừng hoạt động kinh doanh quá thời hạn theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021.
4. Nhiệm vụ và những giải pháp trong thời gian tới
Hiện nay Tây nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng đang trong mùa mưa, do vậy nhu cầu mặt hàng dầu phục vụ tưới tiêu nông nghiệp của người dân không nhiều, do đó tình hình cung ứng xăng dầu sẽ không diễn biến quá phức tạp. Chủ yếu ảnh hưởng tâm lý điều chỉnh giá tăng, mức chiếc khấu thấp dẫn đến có thể một số Cửa hàng xăng dầu trì hoãn trong việc nhập hàng để cung cấp ra thị trường. Trong thời gian tới Cục QLTT tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung sau:
- Bám sát các quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Tổng Cục Quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389/ĐP và tình hình thực tế tại địa phương xây dựng các chương trình, kế hoạch kiểm tra chuyên đề, triển khai theo từng đợt trong năm. Chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường bán sát địa bàn, triển khai giám sát thường xuyên đối với 100% các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, nhất là các cửa hàng đóng cửa, ngừng bán hàng, yêu cầu đảm bảo nguồn cung hàng hóa, không để tình trạng đóng cửa không có lý do chính đáng;
- Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh (nhất là Sở Công Thương) trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát tạo sức mạnh tổng hợp, đồng bộ, để đấu tranh chống gian lận thương mại trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đạt hiệu quả;
- Tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, chú trọng xây dựng nguồn tin báo cơ sở, tiếp tục công khai số điện thoại đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận thông tin phản ánh, phát hiện, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật;
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn; phối hợp với các phương tiện truyền thông tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng không mua xăng dầu tại các cửa hàng kinh doanh trái phép; tuyên truyền các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; công bố công khai các cửa hàng xăng dầu vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật để người tiêu dùng biết, giám sát, tự bảo vệ, góp phần cùng các cơ quan chức năng chống các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.